Khởi công xây dựng năm 1999, hoàn tất năm 2004 với kinh phí lên đến 1,76 tỷ USD, Taipei 101 ở quận Xinyi, thành phố Đài Bắc nay là tòa nhà cao nhất thế giới. Hội đồng về các tòa nhà cao và môi trường sinh sống thành thị khẳng định như vậy.


Để chụp được toàn cảnh tòa nhà chọc trời này – cách mặt đất 509m nếu cộng cả chiều cao của ngọn tháp và ăngten – bạn phải đi bộ ra thật xa. Chụp lúc ban ngày và đúng ngày trời quang, bạn sẽ có được bức ảnh kỷ niệm tuyệt đẹp. Chẳng may đến thăm tòa nhà chọc trời vào buổi tối, bạn đành an ủi mình với những bức ảnh chụp cảnh bên trong. Nhưng phần thưởng tinh thần cũng rất lớn, vì ngày nay ai đi du lịch Đài Loan mà không thăm Taipei 101 là xem như hành trình chưa trọn vẹn.


Tháp Taipei 101

Để có thể lên được tầng thứ 101 của tòa tháp bêtông và kiếng này, bạn có chọn lựa giữa 61 thang máy, trong đó có hai thang máy tốc độ cao vận hành ở tốc độ 1.010m/phút nên chỉ sau 39 giây đã “bắn vọt” du khách từ tầng trệt lên đến tầng 89, nơi có không gian quan sát toàn cảnh thành phố Đài Bắc và cách mặt đất 383,4m. Có thể nói rằng hai thang máy này là “kỳ công” sáng tạo của nhà sản xuất Toshiba Elevator and Building Systems.
Lên thêm hai tầng, du khách nào không sợ chiều cao, không dễ bị chóng mặt có thể bước ra ngoài ngắm cảnh quan thành phố. Vì tầng 91, cách mặt đất 391,8m, là tầng quan sát lộ thiên, nên khác với phòng quan sát trong phòng kính ở tầng 89.
Không như không gian quan sát có “mái che” mở cửa từ 10 giờ sáng đến 10 giờ đêm và 7 ngày trong tuần, không gian quan sát ngoài trời chỉ mở cửa cho du khách khi nào thời tiết cho phép. Nhưng muốn đi từ tầng 5 lên hai tầng quan sát này bằng thang máy cao tốc, bạn phải mua vé, khoảng 13 -14USD.

Người Hoa có tập tục nghiên cứu phong thủy rất kỹ rồi mới tiến hành xây dựng nhà ở cho nên Taipei 101 cũng không thể thiếu các dấu ấn đặc trưng này. Chẳng hạn như một giếng nước phun, biểu trưng cho sự sung túc, được thiết kế nơi chân tòa tháp. Về hình dáng, trông nó như một thân cây tre với 8 khúc, biểu trưng cho sự tăng trưởng tốt, và mỗi khúc lại gồm 8 tầng. Vì trong văn hóa Trung Hoa, “bát” biểu trưng cho sự phồn vinh, sung mãn. Ba vật trang trí bên ngoài tòa tháp này cũng đều mang ý nghĩa quan trọng, biểu tượng của may mắn, thành công và giàu có.

Rồi bên trong tòa tháp, lơ lửng giữa tầng 88 và 89 là một quả cầu kim loại khổng lồ, được mô tả là có vai trò giữ cân bằng cho tòa nhà trong những trận cuồng phong với sức gió hơn 216km/g, những cơn địa chấn 7 độ Richter. Bám sâu vào lòng đất là 5 tầng hầm. Ăn sâu thêm 80m, làm nền đế vững chắc cho tòa nhà là 380 cây cọc bêtông có đường kính 1,5m. Vươn lên trời xanh là 101 tầng. Tên của tòa nhà chọc trời này có xuất xứ từ tổng số tầng và từ mã bưu tín 101 của quận thương mại quốc tế.

Nhiều năm đã trôi qua kể từ ngày Taipei 101 chính thức mở cửa đón khách nên bây giờ ở tầng 85 có nhà hàng Diamond Tony’s chuyên phục vụ các món bò và hải sản, ở tầng 101 có nhà hàng Shinyeh chuyên ẩm thực Đài Loan. Tài Pán, bar sân thượng của khách sạn Grand Formosa Hotel, là nơi phải đến uống ly cuối cùng trong ngày và ngắm cảnh quan Đài Bắc về đêm. Ai cần mua sắm thì đã có sẵn mấy tầng lầu bày bán đủ loại hàng hóa. Đó là Taipei 101 Mall.

Một lần viếng thăm Taipei 101, du khách không khỏi trầm trồ thán phục sức sáng tạo của con người. Chả trách nó được vinh dự nhận Giải Emporis Tòa nhà chọc trời 2004, rồi còn được tuần báo Newsweek, Mỹ gọi là một trong số bảy kỳ quan mới của thế giới và kênh truyền hình Discovery Channel liệt vào tốp Bảy kỳ quan kiến tạo.